Ngày 24, tháng 9 năm 2009

Chính phủ điện tử: Xây dựng Chính phủ vì dân

Việc xây dựng CPĐT sẽ là một phần trong chiến lược cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm và hiệu quả hơn.


            Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Công nghệ thông tin - truyền thông nhiều năm qua đã mang đến những thay đổi lớn lao trong đời sống kinh tế- xã hội của đất nước. Một trong những chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, cải cách các thủ tục hành chính công, tiến tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử(CPĐT) phục vụ người dân.


Công nghệ thông tin - chìa khóa vàng

            Trong nhiều năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng thông tin - truyền thông Việt Nam được đánh giá có tiến bộ hơn trước. Mật độ người dân sử dụng điện thoại đạt 88,7 %, internet 24,2%, băng rộng đạt 2,33 % với 1.994.815 thuê bao. Chính quyền cấp tỉnh trên 60% có mạng nội bộ (mạng LAN), trên 90 % có kết nối Internet, trong đó 80% là kết nối băng rộng...Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao ở mức độ sẵn sàng cho chính phủ điện tử, chưa có khung kiến trúc tổng thể cũng như việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung. Điều này là một cản trở cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.

            Thực tế chứng minh, quá trình xây dựng CPĐT ở bất kể quốc gia nào cũng không thể tách rời được vai trò quan trọng của Công nghệ thông tin (CNTT). Ứng dụng CNTT có thể tạo ra một lượng thông tin to lớn, thường xuyên được lưu giữ, công bố, cung cấp trực tuyến cho cả xã hội; tạo ra sự tiếp cận trên diện rộng của người dân; thay đổi về chất trách nhiệm của các cơ quan công quyền, tạo nên tính công khai, minh bạch cho nền hành chính. Ngoài ra, CNTT có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức làm việc của các cơ quan hành chính: trao đổi thông tin (gửi báo cáo, số liệu thống kê, gửi ý kiến tham gia, thẩm định, chia sẻ thông tin v.v….) qua thư điện tử, thay vì qua bưu điện, qua fax; tổ chức họp, hội nghị, hội thảo qua mạng; giải quyết công việc của dân, doanh nghiệp qua mạng trực tuyến v.v…



            Thay vì trực tiếp đến cơ quan hành chính để tìm hiểu các quy định của pháp luật, các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết… người dân ngồi tại nhà vẫn có được những thông tin này một cách minh bạch và nhanh chóng. Môi trường giao tiếp điện tử giúp giảm thiểu những tốn kém về chi phí, thời gian, công sức của người dân. Thực tiễn của nhiều nước và của Việt Nam về hải quan điện tử, chứng minh thư điện tử, cấp giấy phép kinh doanh qua mạng v.v… là những minh chứng thuyết phục về tác động do ứng dụng công nghệ thông tin mang lại cho nền hành chính và cho xã hội.


            Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng: "Để ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử hiệu quả thì phải tối ưu hóa được thủ tục hành chính. Việc ứng dụng CNTT và cải cách hành chính cần phải được tiến hành song song, vì cải cách hành chính là một quá trình lâu dài, chúng ta không thể đợi cải cách hành chính xong rồi mới tin học hóa. Khi ứng dụng CNTT tại cơ quan Nhà nước chưa cao, thì chưa thể thể cung cấp dịch vụ công hiện đại cho người dân được.”Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính.


            Việc xây dựng CPĐT sẽ là một phần trong chiến lược cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Đây cũng chính là chủ đề chính của Hội thảo quốc gia về xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam diễn ra trong 2 ngày (16-17/12/2008) tại Hà Nội.


            Đơn giản hóa thủ tục hành chính là một nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đặt ra, với mục tiêu là loại bỏ bớt các thủ tục hành chính rườm rà với người dân. Theo TS. Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, thống kê sơ bộ, hiện, chúng ta có khoảng 6.000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lí của Bộ, cơ quan ngang Bộ được thực hiện tại 4 cấp chính quyền (Bộ, tỉnh, huyện, xã), có 63 phiên bản thủ tục hành chính được thực hiện tại 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương với trên 400.000 biểu mẫu TTHC; có khoảng 20.000 văn bản pháp luật quy định TTHC, mẫu đơn, tờ khai…Với con số “khổng lồ” như thế, chúng ta cần phải rà soát, công khai, xây dựng được cơ sở dữ liệu chung, tiến tới cung cấp trực tuyến cho người dân.


            Lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã đi qua được những chặng đường nhất định. Khởi đầu là quá trình tin học hóa theo Nghị định 43/CP của Chính phủ với những bước sơ khai là trang bị máy tính và nối mạng, đào tạo cán bộ và công chức sử dụng máy tính. Rồi đến Đề án 112, Nghị định 64/CP với nhiệm vụ tin học hóa quản lí hành chính, xây dựng nền tảng CPĐT và cung cấp dịch vụ hành chính công. Mục tiêu đến năm 2010-2015, chúng ta sẽ có được Chính phủ điện tử với nhiệm vụ cung cấp được các dịch vụ hành chính công cơ bản trực tuyến (đăng kí, cấp phép, thanh toán qua mạng), và cơ bản tích hợp được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu Quốc gia cung cấp cho người dân.

 

            Theo đó, các cơ quan công quyền sẽ dần thay đổi thói quen làm việc dựa trên công văn, tài liệu giấy tờ chuyển sang phong cách làm việc dựa trên các văn bản điện tử và hệ thống thông tin trợ giúp. Quá trình số hóa thông tin phải được đẩy mạnh. Cải tiến quy trình thủ tục hành chính, chuẩn hóa nghiệp vụ, cung cấp thông tin trực tuyến cho cán bộ, người dân. “Bản thân triển khai ứng dụng CNTT là cải cách hành chính, tiết kiệm công sức, tiền của của nhân dân và nâng cao được hiệu quả quản lý của nhà nước. Tuy nhiện, xây dựng CPĐT là quá trình lâu dài, liên tục và gian nan; sẽ ưu tiên triển khai dịch vụ công, góp phần xây dựng một  nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu suất cao, góp phần chống tham những và lãng phí” ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông chia  sẻ.

 

                                                                         Hoài Nam

Khảo sát số liệu xây dựng Chính phủ điện tử

 








 
      ( Theo báo cáo VIETNAM ICT INDEX 2007)
122920 lượt xem
nguồn : xahoithongtin,

Giới thiệu

Công ty cổ phần AWAS được thành lập tháng 1/2008. Với bề dày kinh nghiệm công ty đã cung cấp cho khách hàng những website và phần mềm quản lý tốt nhất. Chúng tôi tự hào là đơn vị cung cấp website cho một số các cơ quan nhà nước lớn, cũng như các doanh nghiệp ngân hàng tài chính, viễn thông lớn tại Vietnam. Chúng tôi rất vui khi được cung cấp dịch vụ thiết kế website hoàn hảo tới quý vị. Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ

 

CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ VÀ DỊCH VỤ AWAS
Địa chỉ: số 908, HH1A, khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Tel. (024) 2 247 1200 - E-mail: khanhnd@awas.vn